Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

Báo Mỹ: Trung Quốc múa gậy ở Biển Đông

Hôm 28/7 báo The Hill của Mỹ có đăng bài “Trung Quốc múa gậy ở Biển Đông” của James Holmes – một chuyên gia về hàng hải thuộc trường Naval War College.



Trước hết, tác giả James Holmes cho rằng cuộc tranh chấp giữa Iran và Vương quốc Anh, mỗi nước đã giam giữ một tàu chở dầu của nhau đang khiến thế giới chú ý và quên mất chuyện Trung Quốc tạo sóng ở Biển Đông. Tác giả tự hỏi tại sao hai chuyện nóng trên biển lại xảy ra trong thời gian quá gần nhau như thế. Phải chăng là có kẻ lợi dụng điểm nóng ở chỗ khác để hành động của mình bớt bị chú ý.

Hành động của Trung Quốc ở gần bãi Tư Chính được tác giả cho rằng “Trung Quốc đang cố gắng củng cố quyền kiểm soát 80 đến 90% Biển Đông, bao gồm cả vùng biển được phân bổ cho các nước láng giềng Đông Nam Á theo “hiến pháp đại dương” chính là Công ước về Luật Biển (UNCLOS).

Đây là một chiến lược hành động dài hơi của Trung Quốc. Trở lại năm 2009, Bắc Kinh đã đệ trình bản đồ lên Liên Hợp Quốc khẳng định “chủ quyền không thể chối cãi của họ” trên vùng biển trong “cái đường chín đoạn của họ” (ngoặc kép là cách mỉa mai của tác giả), bao quanh 80 đến 90% Biển Đông. Chủ quyền có nghĩa là một chính phủ được thực thi luật pháp trong không gian địa lý được phân định theo biên giới. Nói cách khác, đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền quyết tuyên bố quyền ra lệnh cho tàu và máy bay Trung Quốc và nước ngoài có thể và không thể làm gì trong đường chín đoạn - giống như luật pháp Trung Quốc chi phối những gì công dân và người nước ngoài được làm trong biên giới Trung Quốc trên đất liền.

Bài báo cũng khẳng định rất mạnh mẽ Trung Quốc đã sai khi xâm phạm chủ quyền nước khác khi dẫn chi tiết: Trong tháng này, tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc Haiyang Dizhi 8 đã đậu gần bãi Tư Chính. Giáo sư danh dự Carl Thayer, chuyên gia Việt Nam từ Đại học New South Wales, giải thích, vùng nước xung quanh bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ), một vành đai 200 hải lý ngoài khơi (tính từ đường cơ sở) được phân chia cho các quốc gia ven biển theo quy định của UNCLOS.

Từ đó, James Holmes khẳng định: "Đặc quyền là đặc quyền, Hà Nội, chứ không phải Bắc Kinh, mới duy nhất được hưởng quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên từ cả dưới nước và đáy biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đáy biển trữ lượng khoảng 45 triệu thùng dầu và 172 tỷ feet khối khí đốt có thể khai thác". (lưu ý tác giả khẳng định rõ một lần nữa bãi Tư Chính là vùng biển của Việt Nam).

Hiện tại bãi Tư Chính, Việt Nam đang rất kiềm chế và làm đúng phần việc của mình. Bài báo trên The Hill viết: Bãi Tư Chính không có các tàu chiến mang tên lửa hù dọa nhau và cũng không có máy bay chiến đấu bay lượn trên bầu trời dọa dội bom. Thay vào đó, như báo cáo từ tờ Straits Times có trụ sở tại Singapore, lực lượng bảo vệ bờ biển 2 bên đã đối mặt quanh Haiyang Dizhi 8. Tàu cảnh sát biển hiện diện ở đây chứ không phải là tàu chiến. Cảnh sát được vũ trang nhẹ hoặc không vũ trang thường hoạt động trong khu vực nằm dưới quyền tài phán của nước mình. Họ thi hành luật pháp quốc gia, giải cứu người đi biển khỏi nguy hiểm và thực hiện các công việc hành chính. Ít khi họ tham gia chiến đấu.

James Holmes viết “Bắc Kinh và Hà Nội đang cố gắng gửi thông điệp rằng họ có quyền đưa ra các quy tắc điều chỉnh với những gì xảy ra ở vùng biển ngoài khơi Việt Nam (lưu ý tác giả lần thứ 3 trong bài khẳng định bãi Tư Chính là vùng biển của Việt Nam).

ại sao không điều hải quân tàu xám - cây gậy lớn - để phát đi thông điệp đó? Vâng, hải quân chiến đấu cho những thứ đang tranh chấp; Tại sao phải thừa nhận có tranh chấp? Cảnh sát biển quản lý vùng biển thuộc về mình. Bằng cách triển khai các tàu vệ bờ biển vỏ trắng - cây gậy nhỏ - cả hai đã tuyên bố, và trên thực tế hiện trường, rằng họ đang thực thi luật pháp ở vùng biển nơi họ có quyền làm như vậy”.

Như vậy, theo cách viết của James Holmes trong trường hợp này thì cảnh sát biển và các lực lượng chấp pháp của chúng ta đã cư xử đúng với nhiệm vụ và bổn phận của mình trong vùng đặc quyền kinh tế của nước nhà. Còn Trung Quốc thì ráng đóng kịch hành động tại một nơi không thuộc về họ.

Trong tâm thế của kẻ làm việc bất minh, Trung Quốc vẫn đặt tay lên cây gậy lớn tức là phòng trường hợp dùng sức mạnh quân sự. Việc này được James Holmes mô tả là Trung Quốc thủ sẵn lực lượng máy bay, tên lửa trên bờ và hải quân phía sau sẵn sàng yểm trợ. Trên thực tế là ngay trước đó, Trung Quốc đã tập trận rầm rộ và phóng thử tên lửa trên Biển Đông gây lo ngại cho các nước láng giềng.

Với kiểu tay múa gậy nhỏ (cảnh sát biển), tay dứ gậy lớn (hải quân), James Holmes đánh giá Trung Quốc có tùy chọn leo thang từ đấu gậy nhỏ sang gậy lớn nếu thuận lợi. Còn Việt Nam có ít lựa chọn như vậy. Theo James Holmes, nếu Cố Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt có sống lại dù không bao giờ chấp nhận mục tiêu của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng ông cũng phải ngả mũ trước chiến thuật múa gậy nhỏ, dứ gậy to của Trung Quốc. Tổng thống Theodore Roosevelt là người rất thích câu châm ngôn “Nói năng nhẹ nhàng và cầm cây gậy to sẽ giúp bạn đi xa” và từ cây gậy đã trở thành thuật ngữ chính sách ngoại giao của Mỹ sau này.

Để đối phó với Trung Quốc mưu mô thâm hiểm như vậy, thì tác giả trong phần kết bài cho rằng Việt Nam cần phải tìm kiếm cho mình những đồng minh dám liều chơi tới cùng (nguyên văn là: allies bearing brickbats).

Vụ Bãi Tư Chính

Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và do đó hoàn toàn không nằm trong vùng biển tranh chấp song Trung Quốc lại cho rằng bãi này nằm trong cái gọi là “Đường 9 đoạn” - một yêu sách phi lý đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế tuyên là vô hiệu nhưng Bắc Kinh hoàn toàn phớt lờ. Gần đây, nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc đã có các hoạt động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông này.

Ý kiến của Bộ Ngoại giao Việt Nam

Về phía Việt Nam, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng hôm 25/7 khẳng định:

"Về vụ việc nghiêm trọng này, chúng tôi đã đề cập nhiều lần trong các phát biểu trước đây. Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đã được xác lập tại Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở của luật pháp quốc tế".

Theo người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng, với mục tiêu trên, Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật.

"Duy trì hoà bình, ổn định và tự do hàng hải, hàng không, đề cao thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia như được xác lập tại UNCLOS 1982 là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước và cộng đồng quốc tế. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các nước và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu nói trên, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới", bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Nguồn: The Hill, Sputniknews

Link: https://thehill.com/opinion/national-security/454402-china-swings-a-small-stick-in-the-south-china-sea

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét